banner

ĐỊNH THẾ CỜ

Như An Hưng Capital đã phân tích trong bài viết đầu tiên mở đầu SỔ TAY CHIẾN LƯỢC 2023, chúng ta đang chứng kiến một giai đoạn chuyển biến lịch sử trong cuộc chiến tiền tệ tưởng như yên ả nhưng đã chuẩn bị kéo dài một nửa thế kỉ và thậm chí còn hơn thế nữa. Các điểm rủi ro đã bị ngó lơ đi quá sớm trong thời điểm đầu năm đều đã và tiếp tục nóng lên từng ngày, từ địa chính trị là chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự ở Biển Đông, xung đột tại Sudan, cho đến cuộc chiến tiền tệ tranh giành vị thế với “đế chế” Petrodollar, kéo theo hàng loạt các vụ sụp đổ ngân hàng thực sự xuất hiện thay vì chỉ là tin đồn như năm trước.

Bài viết thứ hai trong SỔ TAY CHIẾN LƯỢC có tựa đề ĐỊNH THẾ CỜ gồm hai phần chính như sau:

  • PHẦN A: Tín hiệu thị trường & kế hoạch hành động nửa cuối năm 2023.
  • PHẦN B: Chiến lược lựa chọn dòng cổ phiếu dẫn dắt.

Trong bài viết này, An Hưng Capital trọng tâm thị trường chứng khoán Việt Nam với mục tiêu đưa đến Quý Nhà đầu tư tầm nhìn chiến lược và kế hoạch hành động để phân bổ rủi ro, tối ưu vị thế trong khi nắm bắt cơ hội mở đầu chu kỳ tăng trưởng mới trong những năm đến của thị trường chứng khoán.

PHẦN A. TÍN HIỆU THỊ TRƯỜNG & KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG NỬA CUỐI NĂM 2023

I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG & NHỮNG YẾU TỐ ĐÁNG CHÚ Ý

Từ bài viết HỒI CUỐI CỦA MỘT CHU KỲ được chia sẻ trên ứng dụng di động An Hưng Capital ngày 13/10/2022, chúng tôi đã đưa ra kế hoạch với những vùng hỗ trợ giá cùng khung thời điểm cần chú ý xuất hiện sự thay đổi quan trọng, là từ cuối năm 2022 đến tháng 2/2023 và từ tháng 6/2023. Thực tế, tháng 2/2023 vừa qua đã đánh dấu vùng đỉnh nhịp hồi từ cuối năm 2022 của thị trường chứng khoán Việt Nam, theo sau là sự xáo trộn đồng loạt của các thị trường thế giới từ tác động của những sự kiện nóng như Nga đình chỉ hiệp ước hạt nhân New START, đến sự sụp đổ liên tiếp của ba ngân hàng Mỹ, hay Thuỵ Sĩ khẩn cấp giải cứu Credit Suisse bằng thỏa thuận lịch sử.

Biểu đồ 1. Chỉ số VN Index khung thời gian tháng (Nguồn: Tradingview)

Những diễn biến này cũng phù hợp với “kịch bản thận trọng” được đánh giá có khả năng xảy ra là 60% theo bài SỔ TAY CHIẾN LƯỢC số đầu năm. Cho đến hiện tại, chỉ số thị trường VN Index vẫn đang tiếp tục trong xu thế đi ngang hướng xuống (sideway-down) với dòng tiền phân hóa tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ (VN Smallcap). Chỉ số nhóm cổ phiếu này đã có nhịp tăng 8% từ cuối tháng 3, vượt trội hơn trong khi chỉ số VN Index giảm nhẹ, và còn dư địa khoảng 2 - 3% nữa trước khi đến vùng kháng cự xu hướng trọng yếu.

Biểu đồ 2. Chỉ số VN Smallcap khung thời gian tuần (Nguồn: Tradingview)

Theo Tổng cục thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng trưởng GDP Quý I/2022 là 5,05% và xấp xỉ mức của thời điểm bắt đầu dịch Covid-19 vào Quý I/2020 là 3,21%. Đến thời điểm báo cáo, các con số dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay do các tổ chức quốc tế đưa ra nằm trong khoản khá rộng, từ 5,8% cho đến 6,5%, điểm chung là các dự báo đều có sự thay đổi theo hướng giảm xuống so với các trước đó.

Biểu đồ 3. Chỉ số tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam từ năm 2000 (Nguồn: Tradingeconomics, Tổng Cục Thống Kê Việt Nam)

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng Sản xuất (PMI, của S&P Global) của Việt Nam giảm tháng thứ hai liên tiếp xuống 46,7 vào tháng 4/2023 và nằm dưới ngưỡng 50 điểm lần thứ năm trong sáu tháng qua, cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm. Lạm phát cơ bản tiếp tục giảm nhẹ về 4,56% trong tháng 4/2023, tuy nhiên vẫn ở vùng cao từ cuối năm ngoái. Dữ liệu tháng 4/2023 cũng báo hiệu các điều kiện kinh doanh bị thu hẹp, phản ánh tác động của suy yếu tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu. Rủi ro các dữ liệu kinh tế tiếp tục xấu đi và suy thoái được công nhận muộn trong thời gian đến là hiện hữu, tương tự như thông tin về lạm phát năm ngoái, trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng không ngừng tăng áp lực đè nặng lên thương mại toàn cầu.

Trong hai tháng qua, Chính phủ liên tục đưa ra hàng loạt chính sách điều hành vĩ mô, từ chính sách tiền tệ như giảm lãi suất điều hành, cơ cấu vay nợ và thị trường trái phiếu, triển khai các gói hỗ trợ vay, cho đến chính sách tài khóa như giảm thuế VAT, đẩy vốn ra thị trường bằng giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Đây là những tín hiệu tích cực về khả năng thiết lập “vùng đệm” cho “cú hạ cánh” của nền kinh tế. Tuy nhiên cần sự duy trì dài hơi hơn của các chính sách này để vượt qua độ trễ trong tác động chính sách và hạn chế hiện tại trong khả năng hấp thụ vốn của thị trường. Đặc biệt là phép thử khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các ngoại lực toàn cầu, như diễn biến căng thẳng leo thang khu vực Đông Á, đặc biệt tại Biển Đông, hay biến động gia tăng tỷ giá.

Biểu đồ 4. Chỉ số Lạm phát cơ bản của Việt Nam so với cùng kỳ từ năm 2022 (Nguồn: Vneconomy)

Tháng 6/2023 sắp đến lại là thời điểm cần chuẩn bị cho những thay đổi lớn. Trước mắt, kết quả và lộ trình được đưa ra trong cuộc họp điều hành lãi suất tháng 5/2023 của Cục dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) sẽ là một điểm quan trọng tác động trực tiếp đến chính sách của các ngân hàng trung ương trong nửa cuối năm. Thị trường đã định giá vào khả năng tăng lãi suất 25 điểm cơ bản với xác suất 90%, với một sự tạm ngừng được tính vào kỳ họp sau đó.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán tăng nhẹ lên 118 nghìn tỷ đồng vào Quý I-2023, giá trị giao dịch trung bình ở hai sàn HOSE và HNX giảm hơn 44% dẫn đến tỷ lệ dư nợ margin/giá trị giao dịch trung bình tăng gần 90% so với Quý IV-2022, lên 21,4 lần. Điều này có nghĩa là khả năng hấp thụ khối lượng margin của thị trường trong các phiên giao dịch là kém hơn. Đây là giá trị cao nhất của tỷ lệ này trong 5 năm qua, vượt mức 19.3 lần vào Quý IV-2019, trước khi giảm mạnh vào Quý I-2020. Trong khi đó, lượng tiền gửi của nhà đầu tư tại các CTCK tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất năm quý liên tiếp dù mức giảm đã chậm lại đáng kể.

Biểu đồ 5. Tỷ lệ Dự nợ margin/GTGD trung bình từ năm 2017 (Nguồn: Fiingroup)

Việc tỷ lệ dư nợ margin/giá trị giao dịch trung bình tiếp tục duy trì ở mức cao sẽ cản trở thị trường bắt đầu đà tăng ổn định. Cần có sự cải thiện đáng kể về thanh khoản và số dư tiền gửi của nhà đầu tư có sẵn tại các CTCK, để đưa khả năng hấp thụ khối lượng margin của thị trường về mức an toàn khi tăng trưởng dư nợ cho vay. Nếu không, rủi ro xảy ra hiện tượng “call margin” sẽ tăng lên cao, khi khối lượng dư nợ này vượt quá xa mức hấp thụ của thị trường ở vùng giá hiện tại. Vì vậy, thanh khoản sẽ trở thành yếu tố tiên quyết cho xu hướng giá của thị trường trong những quý đến.

Biểu đồ 6. Số dư tiền gửi nhà đầu tư tại CTCK (tỷ đồng) từ năm 2021 (Nguồn: Markettimes)

II. ĐIỀU KIỆN & KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

“SELL THE LAST RATE HIKE” - thuật ngữ này ra đời từ thập niên 70-80, thời kì của lạm phát cao kèm theo suy thoái kinh tế Mỹ. Lúc này chiến lược “bán ở lần tăng lãi suất cuối cùng của FED” tỏ ra hiệu quả, trong bối cảnh FED buộc phải quay xe bất ngờ để cứu tăng trưởng kinh tế dù lạm phát vẫn còn xa mức mục tiêu. Xét về tình hình kinh tế và nguồn cơn địa chính trị hiện tại, chúng ta đang chứng kiến những điều kiện khá tương đồng. Ngành ngân hàng tiếp tục lún sâu khủng hoảng khiến FED sẽ cần phải cân nhắc nhiều hơn về mức độ suy thoái đang đến vào quyết định lãi suất ở kỳ họp tháng 6/2023 tới.

Nhìn xa trong những khoảng thời gian dài hạn, giá vàng (XAU/USD) luôn có tương quan quan trọng đối với thị trường chứng khoán. XAU/USD đã bước vào nhịp sóng Elliott thứ 5 của Siêu Đại Chu kỳ (Grand Supercycle) 100 năm, điều này nghĩa là sau khi tạo đỉnh lần này, XAU/USD sẽ bắt đầu một chu kỳ giá xuống rất dài, tương ứng với thời kỳ tăng trưởng tốt nhất của các thị trường chứng khoán, như những năm 1980-2000. Chính vì thế An Hưng Capital nhận định đây chính là năm bản lề then chốt mở ra siêu chu kỳ đầu tư mới trong thập kỉ đến.

Biểu đồ 7. Mô hình sóng Elliott trong “Grand Supercycle” của giá vàng thế giới (Nguồn: Tradingview)

Nếu một nhịp “tái lập” (reset) dòng tiền, hay “quy ra tiền mặt” (all-cash-out) xảy ra trước khi dòng tiền thông minh được phân bổ lại trên các lớp tài sản, nó sẽ bắt đầu từ thời điểm trước khi giá vàng (XAU/USD) tăng vượt đỉnh và chỉ số VIX S&P500 giảm ổn định dưới mức 16. Trong trường hợp khác, nếu các thị trường tài chính có khoảng thời gian đồng pha tăng, thì đây là hai tín hiệu được đưa ra để xác nhận “kịch bản ổn định” như tại bài viết SỔ TAY CHIẾN LƯỢC (Số 1): GIẢI MÃ BÀN CỜ. Lúc này, dòng tiền vẫn ưu tiên những tài sản trú ẩn nhưng không xảy ra sự hoảng loạn tháo chạy. Ở kịch bản này, các thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tiếp tục giữ kênh giá đi ngang (sideway) đủ lâu và dòng tiền sẽ tìm đến các nhóm ngành có câu chuyện, thay vì xuất hiện một nhịp rũ bỏ (wash out) mạnh mẽ.

Vậy, HÀNH ĐỘNG KHUYẾN NGHỊ TRƯỚC ĐIỀU KIỆN CHUYỂN TIẾP THEN CHỐT NÀY LÀ GÌ?

An Hưng Capital khuyến nghị Quý Nhà đầu tư chỉ giải ngân vị thế mua trung dài hạn trong hai trường hợp:

  • Một là, khi thị trường có sự đồng pha giảm mạnh về lại dưới vùng cơ sở xác định tại bài viết HỒI CUỐI CỦA MỘT CHU KỲ, đối với VNI là từ dưới 900 điểm; hoặc
  • Hai là, sau khi giá vàng (XAU/USD) tạo đỉnh và chỉ số VIX S&P500 giảm ổn định dưới mức 16.

Quý Nhà đầu tư không cần sợ lỡ mất cơ hội, vì trong kịch bản tốt thì thị trường vẫn cần phải tích lũy, đi ngang hướng xuống (sideway-down) khi dòng tiền vẫn còn ưu tiên những tài sản trú ẩn như vàng.

Đối với những cổ phiếu có khả năng dẫn dắt đầu chu kỳ tới và tạo đáy trước thị trường chung, Quý Nhà đầu tư có thể áp dụng phương pháp giao dịch từng nhịp ngắn hạn một phần vốn (khoảng 30-50%) để thăm dò vị thế, khi thị trường về những vùng hỗ trợ biên dưới khung tuần, với VN Index hiện tại là vùng 1000 – 1020 điểm.

Việc quan trọng là xác định những nền giá tích lũy chặt chẽ của những cổ phiếu này trong năm 2022 vừa qua, để đánh giá khả năng chống chịu tốt hơn của cổ phiếu nếu thị trường giảm mạnh. Vài dòng cổ phiếu mang đặc điểm này với các câu chuyện hỗ trợ riêng sẽ tiếp tục được đề cập sâu hơn ở phần tiếp theo.

PHẦN B. CHIẾN LƯỢC LỰA CHỌN DÒNG CỐ PHIẾU DẪN DẮT

Sau phân tích, quan sát thời gian qua, An Hưng Capital tiếp tục củng cố bốn nhóm ngành đã được đề cử trong bài viết đầu tiên SỔ TAY CHIẾN LƯỢC sẽ là những nhóm ngành dẫn mở đầu chu kỳ đại sóng đầu tư mới. Trong đó, hai nhóm ngành có câu chuyện hỗ trợ riêng và có khả năng duy trì nền giá chống chịu tốt khi thị trường giảm là dòng cổ phiếu dầu khí và dòng cổ phiếu đường.

Khác với nhóm ngành tài chính như chứng khoán, bất động sản có thể phục hồi mạnh sau khi giảm sâu, nhưng mức độ tương quan với thị trường cao sẽ chịu nhiều hơn rủi ro thị trường. Nhóm cổ phiếu ngành dầu khí và ngành đường dựa trên động lực kỳ vọng riêng biệt, có khả năng tiếp tục giữ vững nền giá đã xây dựng ít nhất một năm qua và nhanh chóng vượt mức giá đỉnh cũ trong năm 2022, không lâu sau khi thị trường qua đáy, để bước vào chu kỳ tăng trưởng chính của nhóm ngành này.

Trong phạm vi báo cáo này, An Hưng Capital sẽ phân tích bức tranh tổng thể và các điểm mấu chốt chính của những động lực tăng giá trọng yếu cho hai dòng cổ phiếu này và đánh giá cụ thể mức kỳ vọng cũng như rủi ro của chúng.

I. NGÀNH DẦU KHÍ

Ngành dầu khí trong nước có sự vươn mình mạnh mẽ, có thể nói là thay da đổi thịt sâu sắc nhờ các bệ đỡ vững chắc được xây dựng từ gốc trong suốt chục năm qua, từ cơ chế chính sách, công nghệ kỹ thuật, trình độ nhân lực,... đủ khả năng cạnh tranh cả thị trường trong và ngoài nước.

  • Về chính sách, Luật Dầu khí được sửa đổi một cách toàn diện đã thông qua cuối năm 2022 và hiệu lực từ 1/7/2023, có nhiều điểm mới, tiến bộ, nhiều nội dung mang tính đột phá, sát với thực tiễn ngành, và nhiều ưu đãi với chính sách rõ ràng. Các cơ chế pháp lý và chính sách khác cũng tiếp tục được hoàn thiện giúp tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội địa trong ngành, như Thông tư 01/2023/TT-BKHĐT ban hành ngày 14/4/2023 đã cập nhật hàng loạt hàng hóa ngành dầu khí vào danh mục hàng trong nước đã sản xuất được, làm cơ sở đưa ra các chính sách ưu đãi nội địa.
  • Về kỹ thuật công nghệ và trình độ nhân lực: từ nhà máy lọc dầu đầu tiên vận hành thương mại vào năm 2009, Việt Nam hiện đã có ba nhà máy lọc dầu và các nhà máy trong ngành lớn như Điện, Đạm, Khí, được vận hành tự chủ bằng nguồn nhân lực chất lượng cao nội địa. Bên cạnh đó, các nhà thầu kỹ thuật, dịch vụ dầu khí trong nước đã có thể đảm nhiệm các dự án EPCI lớn đến vài tỷ USD, cạnh tranh đấu thầu ngay cả trong các gói thầu quốc tế trong và ngoài nước.

Mức trung bình giá dầu được dự báo duy trì ổn định từ $70 – 80/thùng trong năm 2023, cao hơn đáng kể điểm hòa vốn E&P của Việt Nam quanh $50/thùng. Từ năm 2024, nhiều khả năng giá dầu trung bình sẽ cải thiện hơn nữa khi kinh tế thế giới bước vào đà hồi phục tăng trưởng trở lại, cùng với suy giảm sản lượng ở các mỏ đang khai thác, An Hưng Capital tin tưởng rằng các đại dự án dầu khí trong nước như Lô B Ô Môn, Nam Côn Sơn, Cá Voi Xanh, Sao Vàng Đại Nguyệt, Cá Rồng Đỏ,… và cả quốc tế, từ vùng Nam Biển Đông cho đến các dự án ở Trung Đông, sẽ được thúc đẩy mạnh trong hai năm này. Đây là cơ hội chính đưa các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam quay trở lại thời hoàng kim trong năm năm đến.

Biểu đồ 8. Giá thuê và hợp đồng sử dụng giàn khoan bán tiềm thủy trên 7,500ft

Dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật, giá dầu thô WTI đã chạm vùng $65/thùng như dự báo từ tháng 10/2022 trong bài viết HỒI CUỐI CỦA MỘT CHU KỲ. Theo đánh giá của An Hưng Capital, giá dầu thô WTI lẫn dầu thô Brent đã hình thành vùng cân bằng ở đây và có thể tái kiểm định vùng giá quanh $65/thùng trong thời gian tới. Nếu nhịp rũ bỏ (wash out) xảy ra trên các thị trường tài chính, giá dầu cũng có khả năng xuất hiện pha giảm nhanh về vùng giá quanh $50/thùng, trước khi bật tăng trở lại vùng quanh $100/thùng và hình thành biên độ giao động ổn định những năm tiếp theo. Thời kì neo cao của giá dầu khi niềm tin quay trở lại về sự phát triển của hoạt động sản xuất và nền kinh tế, đặc biệt là thị trường Trung Quốc sau hơn hai năm đóng cửa sẽ giúp kỳ vọng vào ngành dầu khí thăng hoa.

Biểu đồ 9. Giá dầu thô Brent qua các năm (Nguồn: Tradingview)

Rủi ro của cổ phiếu ngành dầu khí đến từ khả năng kinh tế thế giới rơi vào suy thoái sâu và kéo dài, cùng với việc các dự án khai thác mới bị tạm dừng hay trì hoãn. An Hưng Capital đánh giá khả năng xảy ra các kịch bản này hiện nay ở mức thấp.

1. Cổ phiếu của các doanh nghiệp thượng nguồn (PVD, PVS, PXS):

Tổng công ty khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD) đang được hưởng lợi lớn trong giai đoạn nhu cầu, hiệu quả sử dụng và giá thuê giàn tăng liên tục từ đầu năm 2023 đến nay, dự kiến cung không đủ cầu đến năm 2025. Đây sẽ là “của để dành” cho cú bùng nổ doanh thu khi kết hợp với câu chuyện “mùa cao điểm” First Gas các dự án thượng nguồn lớn được đề cập ở trên trong giai đoạn 2026 - 2028.

Rủi ro chủ yếu là địa chính trị ở khu vực Biển Đông diễn biến phức tạp, điểm nóng Đài Loan và các vùng mà Trung Quốc đã đẩy thành “tranh chấp”. Ngoài ra, nguồn vốn đang chuyển dịch vào năng lượng xanh. Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050, Việt Nam sẽ cần phải duy trì mức đầu tư cao cho năng lượng tái tạo và theo đuổi hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn. Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương về dự thảo Quy hoạch điện 8 tiếp tục đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh, ...) phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành hợp lý, đặc biệt là các nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ, điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, nhà thầu dầu khí trong nước “đánh” tốt không những cho các dự án dầu khí mà cả các dự án năng lượng tái tạo trong bờ và ngoài khơi, như Tổng công ty cổ phần kỹ thuật dịch vụ dầu khí Việt Nam (PVS (HNX)) vừa trúng thầu hai dự án điện gió lớn (mega-size), đảm bảo có việc cho đến năm 2029 và chia sẻ việc với các đơn vị đồng đội như PTSC M&C, POS, VSP, PVC-MS

Biểu đồ 10. Giá và Khối lượng tích lũy của cổ phiếu PVD qua các năm (Nguồn: Tradingview)

Động lực từ tiềm năng phát triển các siêu dự án mới và sự phục hồi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc giúp các cổ phiếu dầu khí thượng nguồn như PVD, PVS duy trì nền giá tích lũy tốt từ giữa năm 2022. Điển hình với cổ phiếu PVD, vùng hỗ trợ giá từ 12.000 – 14.000 VND/cổ phiếu hình thành từ năm 2021 vẫn được giữ chặt chẽ trước các biến động giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam cuối năm 2022 hay sự sụt giảm sâu hơn của giá dầu. Với nền giá tích lũy kéo dài suốt năm trong thị trường con gấu, cổ phiếu PVD được kỳ vọng có thể tăng trưởng vượt đỉnh năm 2022 ngay trong một năm đến và hướng đến giá mục tiêu thứ nhất là 36.000/cổ phiếu VND và thứ hai là 50.000 VND/cổ phiếu. Vùng hỗ trợ gần khung thời gian tuần của cổ phiếu đang là vùng quanh 18.000 VND.

2. Cổ phiếu của các doanh nghiệp trung nguồn (GAS, PVT, Tổng Công ty Vận tải thủy Petrolimex):

Biểu đồ 11. Giá thuê định hạn tàu dầu thô một năm (Nguồn: Alibra)

Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trung nguồn phụ thuộc phần lớn vào tình hình khai thác ở thượng nguồn và tiêu thụ ở hạ nguồn. Đặc biệt, tình hình địa chính trị hiện nay với các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga đã khiến “dòng chảy” dầu thô lẫn khí đốt toàn cầu có những sự điều chỉnh, dẫn đến chi phí vận tải năng lượng toàn cầu cao hơn. Điển hình là sự thay đổi lộ trình khi dầu khí của Nga chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc và Ấn Độ, làm quãng đường vận tải biển tăng lên đáng kể so với thị trường Châu Âu. Đồng thời, việc áp giá trần giá dầu Nga qua vận tải đường biển cũng khiến nhu cầu thuê tàu vận chuyển dầu Nga chuyển dịch khỏi các hãng tàu thuộc châu Âu. Thay vào đó, nhu cầu các tuyến tàu vận chuyển dầu và khí của Mỹ sang châu Âu lại gia tăng đáng kể. Xu hướng dịch chuyển này nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì lâu hơn kể cả sau khi xung đột Nga – Ukraine kết thúc, khiến các doanh nghiệp ở khu vực châu Á có đội tàu lớn đang hoạt động ở thị trường quốc tế có cơ hội được hưởng lợi tích cực.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp hạ nguồn (BSR, POW, PXL):

Nhu cầu sử dụng và giá điện xu hướng tăng. Dự thảo quy hoạch điện 8 theo hướng khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn nhiên liệu hóa thạch trong nước kết hợp với nhập khẩu: giảm dần tỷ trọng điện than, ưu tiên phát triển điện khí trong nước, phát triển nguồn điện LNG với quy mô phù hợp, sẽ là động lực để Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tự đầu tư các nhà máy sử dụng khí (khí, điện, đạm…) và cơ sở vật chất trung nguồn (kho bãi, vận chuyển…), chủ động đầu ra cho các dự án thượng nguồn, làm thay đổi cả chất cả lượng của các doanh nghiệp trung nguồn và hạ nguồn.

Một số dự án lớn hạ nguồn có thể kể đến như Dự án nâng cấp - mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Chuỗi dự án điện khí hóa lỏng (LNG) Thị Vải và Sơn Mỹ, Dự án tổ hợp phứt hợp lọc hóa dầu Long Sơn, căn cứ cung ứng kỹ thuật và dịch vụ dầu khí (base) Kiên Giang … Lợi nhuận của các doanh nghiệp hạ nguồn ảnh hưởng khác nhau theo sự biến động của giá dầu phụ thuộc vào sản phẩm đầu vào và đầu ra của từng dự án.

An Hưng Capital sẽ tiếp tục theo sát và lựa chọn 1-3 cổ phiếu ngành dầu khí, cung cấp chi tiết chiến lược giao dịch từng cổ phiếu, đúng thời điểm, để kiếm lãi bền vững trung dài hạn, trong các báo cáo sau.

II. NGÀNH ĐƯỜNG

Như đề xuất trong bài viết SỔ TAY CHIẾN LƯỢC số đầu năm, giá đường thế giới vẫn đang tiếp tục xu hướng tăng trung hạn hướng về vùng đỉnh năm 2010. Xu hướng tăng này nhiều khả năng tiếp diễn trong quý tới và biến động giá trung bình tiếp tục cao hơn vùng đỉnh năm 2017 và 2021 trong năm tiếp theo. Các doanh nghiệp sản xuất mía đường lẫn nhập khẩu đường thô để sản xuất đường RE đều có thể cải thiện lợi nhuận gộp tốt nhất trong chu kỳ tăng giá này.

Biểu đồ 12. Giá đường thế giới qua các năm (Nguồn: Tradingview)

Năm 2023 được dự báo là năm sản lượng đường từ nguồn cung lớn Brazil bị ảnh hưởng nghiêm trọng do El Nino. Tại Châu Á, sản lượng yếu hơn có thể sẽ buộc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu, trong khi sản lượng của châu Âu bị ảnh hưởng bởi hạn hán và hiện đang đối mặt tình trạng bấp bênh sau lệnh cấm thuốc trừ sâu. Thêm vào đó, các nhà máy Ấn Độ đang chuyển hướng sử dụng nhiều mía hơn để sản xuất ethanol và việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể nâng cao nhu cầu. Chính sách trợ giá đường của Thái Lan có dấu hiệu “đuối” do ảnh hưởng chung của nền kinh tế. Do vậy, ngành đường trong nước của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong thời gian tới do nguồn cung thiếu hụt trên thị trường thế giới và Chính phủ mạnh tay tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại hơn đối với đường nhập, đặc biệt là đường nhập lậu từ Thái Lan.

Biểu đồ 13. Khả năng thời tiết dự báo trong các năm

Rủi ro giá đường thay đổi xu hướng bất ngờ vào quý đến cùng khả năng suy thoái kinh tế kéo dài là thấp, tuy nhiên, vẫn cần có sự theo dõi sát sao các diễn biến này. Sóng ngành một khi bắt đầu có thể duy trì ít nhất trong vòng 3 đến 6 tháng. Sau khi có nhịp bùng nổ ban đầu, các cổ phiếu dẫn dắt thường cần hình thành những vùng biên tái tích lũy ở khung thời gian tuần. Quý Nhà đầu tư nên kiên nhẫn và chờ đợi cơ hội khi xuất hiện những đợt rũ bỏ.

Trong các cổ phiếu ngành đường, Công ty cổ phần Thành Thành Công (Mã: SBT (HSX)) là cổ phiếu đầu ngành trong rổ chỉ số VN30, chiếm gần một nửa thị phần mảng đường RE (đường tinh luyện). Tiếp theo là Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi (Mã: QNS (UpCOM)) đứng thứ hai về vùng nguyên liệu và sản lượng đường có thị phần đường RE khoảng 11%. Tuy vậy, theo báo cáo Quý I/2023 sản xuất đường chỉ chiếm gần 30% lợi nhuận gộp của QNS, sau khi đã gia tăng đáng kể từ mức 10% so với cùng kỳ năm trước nhờ sản lượng và giá thành đường đều tăng.

Doanh nghiệp có quy mô sản xuất đường RE lớn nhất tại miền Bắc là Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn (Mã: LSS (HSX)). Tương tự như SBT có phần lớn danh mục khách hàng là doanh nghiệp lớn, LSS có hơn 80% sản phẩm được tiêu thụ bởi các khách hàng công nghiệp, nên ít gặp phải cạnh tranh với các doanh nghiệp khác và đường Thái nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Trong khi đó, Công ty cổ phần mía đường Sơn La (Mã: SLS (HNX)) tập trung sản xuất đường RS (đường trắng trực tiếp), dù chịu áp lực cạnh tranh gay gắt hơn từ đường nhập lậu, SLS có ưu thế về tự chủ vùng nguyên liệu cao, giúp giảm tối ưu chi phí sản xuất khi giá mía cũng đang trên đà tăng.

Biểu đồ 14. Giá và Khối lượng tích lũy của cổ phiếu SBT qua các năm (Nguồn: Tradingview)

Trên góc nhìn phân tích kĩ thuật, điển hình đối với cổ phiếu SBT có vùng hỗ trợ khung tuần từ vùng 14.500 VND/cổ phiếu, vùng quanh mệnh giá 10.000 VND/cổ phiếu được hỗ trợ mạnh từ năm 2018, kể cả những thời điểm giá đường giảm sâu. Với việc giá đường được kỳ vọng tiếp tục tăng từ 10% và có thể đạt đến 30%, gần gấp đôi vùng đỉnh vào năm 2017 trong một năm đến, cổ phiếu SBT được kỳ vọng đạt giá mục tiêu thứ nhất là 25.000 VND/cổ phiếu và thứ hai là 32.000 VND/cổ phiếu.

Trong nửa niên vụ 2022-2023, sản lượng xuất khẩu và công nghiệp của SBT đã tăng lần lượt 70% và 26%. Với việc Trung Quốc mở cửa, nhu cầu phục hồi mạnh, song nguồn cung đường trong nước lại giảm sẽ giúp SBT có cơ hội gia tăng xuất khẩu vào thị trường này. Hiện tại, SBT tự chủ 53% vùng nguyên liệu và tập trung mở rộng vùng nguyên liệu tại Úc với mục tiêu 5.000 ha trong niên độ 2022-2023, trong lộ trình đến 20.000 ha vào năm 2025. Rủi ro với cổ phiếu này là tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức 1.85 vào cuối Quý III niên độ 2022-2023, dẫn đến áp lực lãi vay khi lãi suất tăng. Trọng tâm giải quyết điểm nút này sẽ ở xu hướng giảm áp lực của lãi suất vào nửa cuối năm và khả năng thực hiện kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ 20% tổng vốn cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong niên độ này khi hoạt động sản xuất kinh doanh đang trong thời kì thuận lợi.

Ngoài ra, An Hưng Capital cũng đánh giá cao khả năng sinh lời của cổ phiếu Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi (Mã: QNS (UpCOM)) Công ty cổ phần mía đường Sơn La (Mã: SLS (HNX)) nếu xét về mức độ hiệu quả doanh nghiệp và cung cầu cổ phiếu.

Đội ngũ An Hưng Capital luôn giữ nguyên giá trị cốt lõi ĐỨC TÍN – THIỆN TÂM – KỶ LUẬT làm nền tảng mỗi hoạt động. An Hưng Capital rất mong cùng Quý Nhà đầu tư quản trị rủi ro và nắm bắt cơ hội mười năm có một này.

An Hưng Capital kính gửi đến Quý Nhà đầu tư lời cảm ơn chân thành, lời chúc sức khỏe và vạn sự thuận thành cho một năm mới An Hưng.

Trân trọng cảm ơn./.

Tin liên quan